Giới thiệu nguồn gốc


Vào ngày 10 tháng 04 năm Tân Hợi - Vĩnh Tộ thứ III (1621), có 3 ông tên thường gọi là Diêu, Dư, Trịnh cùng sống nơi phố chợ, gốc ở Thừa tuyên Nghệ An, Phủ Đức Quang, Huyện Nghi Xuân, Xã Xuân Mỹ, Thôn Tây Xuyên, lúc này đang ở tại Dinh Quảng Nam, Phủ Quảng Nghĩa, Huyện Chương Nghĩa, Xã Xuân Liêu, Thôn Châu Lê. Ba ông cùng nhau làm bản giao ước nhập tộc họ La.
  • Ông Điêu - Trần Văn Định, cải họ là La Văn Định (do ông Biện Vân, ông Đệ kể lại)
  • Ông Dư - Lê Nhứt Công, cải họ là La Nhứt Công (do ông Nhuệ, ông Hồng kể lại)
  • Ông Trịnh - Lê Hưng Long, cải họ là La Hưng Long (do ông Nhuệ, ông Hồng kể lại)

Ba ông lập nên thông lệ cầu cúng Tổ tiên, Ông, Bà, Nội, Ngoại kể từ lúc đó đến tận sau này:
  • Ông Điêu chịu 2 phần (gồm: 2 phần tiền, 2 phần gạo, 2 phần trai bàn)
  • Ông Dư chịu 1 phần (gồm: 1 phần tiền, 1 phần gạo, 1 phần trai bàn)
  • Ông Trịnh chịu 2 phần (gồm: 1 phần tiền, 1 phần gạo, 1 phần trai bàn)

Ghi chú: Trai bàn là mâm cơm chay

Trường hợp cả 3 ông khác họ và cùng nhập tộc cải họ để thành một họ là rất hiếm. Người đời sau suy đoán có thể các ông đã là người họ La ở quê Nghệ An xưa, trước khi vào Quảng Nghĩa lập nghiêp đã phải đổi sang họ khác để tự vệ là chính, khi thấy điều kiện an ninh tốt, có thể an cư lập nghiệp nên các ông đổi lại về họ cũ.

Trong sử sách có nhiều trường hợp 3 ông cùng kết nghĩa điển hình như trường hợp 3 ông Lưu Bị, Quang Vân Trường, Trương Phi bên Tàu. 3 ông kết nghĩa Vườn Đào thề cùng sống chết nhưng họ ai nấy giữ. Còn trường hợp cả 3 ông khác họ và cùng nhập tộc cải họ để thành một họ là rất hiếm gặp.

Năm viết gia phả


Năm viết gia phả: Lần đầu tiên năm 1799

Do đang viết gia phả nên ghi năm Cảnh Thịnh thứ 7.
Năm Quý Sửu (1793, Quang Toản, con vua Quang Trung, chính thức lên ngôi lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh.

Như vậy thời gian lúc các ông Điêu, ông Dư, ông Trịnh nhập tộc đến năm thầy Mãng viết gia phả phải là 1799-1621=178 năm/5 đời.

Ông La Quang Lô (đời thứ 10) làm lại gia phả năm 1992 đến Thầy Mãng (đời thứ 5) viết Gia phả là năm 1799 thì 1992-1799=193 năm/5 đời.

Thầy Mãng đời thứ 5 ghi chép từ đời thứ 1 đến đời thứ 6 và Ông La Quang Lô đời thứ 10 ghi chép từ đời thứ 7 đến đời thứ 10.

Năm nhập tộc


Căn cứ vào phần ghi trong gia phả về nguồn gốc gồm nơi chốn Quảng Nam, Phủ Quảng Nghĩa. 
Thời gian cất nhà: Ngày đầu tháng giêng năm Ất Sửu (1625), ngày đầu tháng sáu năm Bính Dần (1626) giúp ta truy tìm được thời gian các ông Điêu, ông Dư, ông Trịnh cất nhà là năm 1625, 1626 và năm nhập tịch phải là 1621 (Tân Dậu - Vĩnh Tộ thứ 3 - đầu thế kỷ 17).

Giải thích thêm:
Năm 1602 (Hoằng Định thứ 3), Nguyễn Hoàng đổi phủ Tư Nghĩa thành phủ Quảng Nghĩa, đồng thời đổi trấn Quảng Nam thành Dinh Quảng Nam cai quản ba phủ: Thăng Hoa, Quảng Nghĩa và Hoài Nhân. Ba năm sau thêm phủ Điện Bàn (vốn là huyện Điện Bàn của phủ Triệu Phong) - dinh 1602-1831.
Năm 1778, nhà Tây Sơn đổi tên phủ Quảng Nghĩa thành phủ Hoà Nghĩa.
Năm 1803, nhà Nguyễn đổi phủ Hoà Nghĩa trở lại tên cũ là phủ Quảng Nghĩa.

Thời gian bản gia phả

Thời gian bản gia phả: Thời Trịnh Nguyễn phân tranh


Lê Trung Hưng (trên danh nghĩa)
  • Lê Kính Tông Lê Duy Tân 1600-1619
  • Lê Thần Tông Lê Duy Ký 1619-1643
  • Lê Chân Tông Lê Duy Hựu 1643-1649
  • Lê Thân Tông Lê Duy Kỳ 1649-1662
  • Lê Huyền Tông Lê Duy Vũ 1643-1671
  • Lê Gia Tông Lê Duy Hợi (Lê Duy Cối, Lê Duy Khoái) 1672-1675
  • Lê Hy Tông Lê Duy Hợp 1676-1704
  • Lê Dụ Tông Lê Duy Đường 1705-1728
  • Hôn Đức Công Lê Duy Phường 1729-1732
  • Lê Thuần Tông Lê Duy Tường 1732-1735
  • Lê Ý Tông Lê Duy Thận 1735-1740
  • Lê Hiển Tông Lê Huy Diêu 1740-1786
  • Lê Mẫn Đế Lê Duy Khiêm (Lê Duy Kỳ) 1787-1789

Chúa Trịnh (1545-1787)
  • Thế Tổ Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm 1545-1570
  • Bình An Vương Trịnh Tùng 1570-1623
  • Thành Đô Vương Trịnh Tráng 1623-1652
  • Tây Định Vương Trịnh Tạc 1653-1682
  • Định Nam Vương Trinh Căng 1682-1709
  • An Đô Vương Trịnh Cương 1709-1729
  • Uy Nam Vương Trịnh Giang 1729-1740
  • Minh Đô Vương Trịnh Doanh 1740-1767
  • Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm 1767-1782
  • Điện Đô Vương Trịnh Cán 1782 (2 tháng)
  • Đoan Nam Vương Trịnh Khải 1782-1786
  • Án Đô Vươn Trịnh Bồng 1786-1787

Chúa Nguyễn (1600-1802)
  • Tiên Vương (Chúa Tiên) Nguyễn Hoàng 1600-1613
  • Sãi Vương (Chúa Bụt) Nguyễn Phúc Nguyên 1613-1637
  • Thượng Vương Nguyễn Phúc Lan 1637-1648 
  • Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần 1648-1687
  • Nghĩa Vương Nguyễn Phúc Trăn 1687-1691
  • Minh Vương Nguyễn Phúc Chu 1691-1725
  • Ninh Vương Nguyễn Phúc Chú 1725-1738
  • Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát 1738-1765
  • Đinh Vương Nguyễn Phúc Thuần 1765-1777
  • Nguyễn Ánh Nguyễn Phúc Ánh 1781-1802 

Nhà Tây Sơn (1778-1802)
  • Thái Đức Hoàng Đế Nguyễn Nhạc 1778-1793
  • Thái Tổ Vũ Hoàng Đế Nguyễn Huệ 1788-1792
  • Cảnh Thịnh Hoàng Đế Nguyễn Quang Toản 1792-1802

  • Lịch sử Việt Nam không có niên hiệu Hồng Võ (có thể có sự nhầm lẫn trong ghi chép)
Châu Nguyên Chương, năm 1368, đánh đuổi quân Nguyên ra khỏi Trung Quốc, lên ngôi hoàng đế, đổi quốc hiệu là Minh, đóng đô ở Kim Lăng (Nam Kinh ngày nay), gọi là Ứng Thiên Phủ, lấy đất Khai Phong làm Bắc Kinh. Ở ngôi được 30 năm (1368-1398). Ấy là Minh Thái Tổ (Hồng Võ). Niên hiệu Hồng Vũ từ 2/3/1368 đến 5/2/1399 (30 năm 340 ngày).

Quá trình làm gia phả


Gia phả họ La được thực hiện theo các trình tự như sau:

- Lần 1: Thầy Mãng (đời thứ 5, Thầy Trí, Thầy Tâm lập ngày 19 tháng 12 năm 1799 (Năm Kỷ Mùi - Cảnh Thịnh thứ 7). Lần này ghi chép từ đời thứ 1 đến đời thứ 6.

- Lần 2: Ông La Quang Lô (đời thứ 10) nhờ Trụ trì chùa Hoà Quan tên Thích An Trung Yết Ma viết lại và diễn âm chữ Quốc Ngữ vào ngày 06 tháng 10 năm 1992 (Nhâm Thân). Bổ sung thêm trong gia phả họ La từ đời thứ 7 đến đời thứ 10.

- Lần 3: Tháng 06 năm 2012 (Nhâm Thìn) bản gia phả Họ La được ông La Hoàng (Am Đôi, Đà Lạt) tích cực phát động và đã được thực hiện số hoá bởi Trần Trung Hiếu (Chồng La Thị Lài, con rể ông La Hoàng - Ông 4 Du).

- Lần 4: Tháng 4 năm 2018 (Mậu Tuất) nhận thấy cần chỉnh sửa một số thông tin và đưa lên mạng để dễ dàng hơn cho việc tiếp tục ghi chép về tộc họ La sau này, La Quang Trí (sinh 1974 tại La Châu, Nghĩa Trung, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, sống tại Sài Gòn) là con ông La Quang Thiệu đã số hoá lại toàn bộ Gia phả và đưa lên mạng.